Miễn thị thực nhập cảnh không phải là chìa khóa quyết định sự phát triển của ngành du lịch nhưng đây là yếu tố quan trọng tác động đến lựa chọn của du khách quốc tế khi đặt chân đến bất cứ quốc gia nào. Mới đây, Chính phủ quyết định miễn thị thực cho công dân 6 nước: Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Berarut được xem là động thái tích cực, mở ra triển vọng mới cho ngành du lịch Việt Nam.
Là một trong những doanh nghiệp làm dịch vụ về lữ hành quốc tế, Hon Gai Tours cũng phải hứng chịu những ảnh hưởng từ việc sụt giảm lượng khách đến từ thị trường nói tiếng Hoa và khách Nga. Với việc Chính phủ áp dụng chính sách mở rộng miễn thị thực với một số nước kể từ ngày 1.7, đơn vị này kỳ vọng, sẽ đạt được mức độ tăng trưởng khoảng 20% so với 6 tháng đầu năm.
Ông Đỗ Xuân Ngoạn – TGĐ Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hòn Gai cho biết, việc miễn thị thực giành cho khách, chúng tôi đánh giá là một bước đi đúng đắn của Chính phủ và ngành Du lịch VN. Vì cái đó tạo điều kiện cho ngành Du lịch VN phát triển dễ dàng hơn. Hi vọng trong thời gian tới sẽ tăng hơn. Bởi khi khách họ đến, nếu giảm thiểu được những chi phí tốt, giá thành tour nó tốt hơn, sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn.
Chính sách mở rộng miễn thị thực ra đời trong bối cảnh ngành du lịch VN đang phải đối diện với hàng loạt khó khăn, thách thức, khiến lượng khách quốc tế đến VN liên tục giảm trong 13 tháng liên tiếp. Không chỉ các doanh nghiệp, các nhà quản lý mà các thị trường khách du lịch quốc tế đón nhận thông tin về việc nới rộng miễn giảm thị thực với thái độ tích cực. Việt Nam đã từng áp dụng chính sách miễn Visa vào năm 2004, khiến lượng khách Nhật Bản đã tăng 2,43 lần, khách Hàn Quốc tăng 3,6 lần, và riêng thị trường khách Nga đã tăng 7,45 lần. Đã có thời điểm lượng du khách từ Nga vào Việt Nam tăng vọt và trở thành thị trường mũi nhọn ở những nơi trọng điểm về khách du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, tạo ra diện mạo mới mẻ cho hoạt động du lịch.
Theo ông Trần Hùng Việt – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tp Hồ Chí Minh cho rằng, khi mà có quyết định miễn visa cho một số thị trường du lịch thì tôi nghĩ cái quan trọng nhất là thông tin truyền thông, chúng ta làm sao đến với người dân của nước đó trước. Ví dụ như Đại sứ quán các nước, Đại sứ quán của VN ở các nước. Thông tin đó làm sao đến với người dân nước đó thì người ta mới đi du lịch VN.
Cần phải thẳng thắn thừa nhận, chính sách về visa đóng vai trò tích cực để góp phần phục hồi lượng khách quốc tế nhưng không phải yếu tố quyết định. Vấn đề được đặt lên hàng đầu vẫn là “sự hài lòng” của du khách khi đặt chân đến Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải thực hiện một loạt giải pháp nhằm khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch.
Việc Chính phủ tiếp tục miễn thị thực cho một số quốc gia là thông tin vui đối với nhiều doanh nghiệp với kỳ vọng khách du lịch đến Việt Nam sẽ tăng nhanh. Tuy nhiên theo một số chuyên gia nhận định, nếu không tiến hành đồng bộ các giải pháp liên quan, chỉ trông vào giải pháp nới lỏng visa thì khó có thể phát triển hiệu quả ngành du lịch.
Hội thảo phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới
Thời gian qua Du lịch Việt Nam đã định hình là một ngành kinh tế quan trọng. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch ngày một phát triển”. Đó là nội dung thông tin được đưa ra tại Hội thảo “phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới”, được tổ chức vào sáng nay (7/7), tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban kinh tế Trung ương và Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam tổ chức.
Hội thảo lần này tập trung bàn về biện pháp hành động sau khi Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về miễn thị thực đơn phương cho Belarus và 5 quốc gia khu vực Tây Âu; thảo luận về lộ trình sửa đổi bổ sung Luật Du lịch với nhiều yếu tố mới như Công tác quản lý Nhà nước về Du lịch, quy định về đảm bảo an ninh an toàn cho du khách… để hoàn thiện, trình Quốc hội khóa 14 xem xét thông qua vào tháng 10/2016; định hướng triển khai tổ chức và hoạt động khi Chính phủ thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trong năm nay; đặc biệt là bàn việc tổ chức thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ, biện pháp cấp bách nhằm hạn chế yếu kém, nâng cao khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam và tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách./.