Cảnh giác với bệnh liên cầu khuẩn


Cập nhật: 16/06/2015

Từ đầu hè đến nay, tại bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có nhiều bệnh nhân nhập viện do nhiễm liên cầu khuẩn. Riêng địa bàn Hà Nội đã có hai trường hợp mắc bệnh này, trong đó một người đã tử vong.

Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Tuấn H. , 36 tuổi ở huyện Mỹ Đức, cấp cứu tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, trên da mặt, đùi cẳng chân xuất hiện các nốt ban xuất huyết, hoại tử, suy đa phủ tạng. Theo người nhà bệnh nhân, anh H. Thường xuyên uống rượu và có sở thích ăn tiết canh. Trước đó, cuối tháng 5-2015, BV cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 52 tuổi, ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, trong tình trạng sốc nhiễm trùng, hôn mê, trên da toàn thân có nhiều mảng xuất huyết hoại tử sau hai ngày sốt. Bệnh nhân này thường xuyên ăn lòng lợn, tiết canh. Ngoài ra, từ đầu tháng 5 đến nay, BV đã điều trị cho bốn trường hợp khác bị viêm màng não mủ do liên cầu lợn.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì liên cầu lợn là bệnh từ động vật lây sang người do vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis) gây ra. Nguyên nhân bệnh nhân bị mắc liên cầu khuẩn lợn có thể do ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín, ăn tiết canh hoặc tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn qua các vết thương ở da, đường hô hấp. Không chỉ lợn ốm, mà ngay trong lợn lành cũng có một số con có liên cầu khuẩn lưu trú ở vùng hầu họng. Vì vậy, nếu ăn các sản phẩm chưa nấu chín thì dù là thịt lợn lành vẫn có thể mắc bệnh. Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo về bệnh liên cầu khuẩn do ăn tiết canh nhưng nhiều người vẫn chủ quan, thậm chí có người cho rằng, uống rượu cùng với tiết canh sẽ diệt được vi khuẩn nên không sợ.

Cũng theo bác sĩ Cấp, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm ba thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp dù mới mắc nhưng đã rất nặng. Khi mắc bệnh do liên cầu lợn, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng với các biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp... Tỷ lệ tử vong của bệnh này là khoảng 7%.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, bệnh liên cầu lợn gây ra trên địa bàn thành phố hiện không xuất hiện thành dịch mà chỉ rải rác các ca mắc. Tuy nhiên, điều đáng lo là bệnh âm ỉ tồn tại trong cộng đồng do sở thích, thói quen cố hữu của nhiều người đối với món tiết canh, thịt tái, nem chua làm từ thịt sống...

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng bệnh liên cầu khuẩn, người dân cần tẩy trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khi giết mổ, chế biến thịt lợn cần bảo đảm vệ sinh và đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với thịt lợn bệnh. Trong khi chưa có vắcxin phòng bệnh, người dân không ăn thức ăn từ thịt lợn chưa được nấu chín, nhất là tiết canh sống. Nếu thấy có các dấu hiệu như sốt cao đột ngột, mệt mỏi, rét run, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, rối loạn ý thức, mê sảng, có tiền sử tiếp xúc với lợn bệnh, ăn thực phẩm chưa nấu kỹ, thực phẩm tái (nem chua, nem chạo, tiết canh...) thì nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh bệnh diễn biến nặng.

Số 162 Tòa Nhà Trameco Khuất Duy Tiến,Thanh Xuân ,Hà Nội

Tel: 0966.994.360

Email: [email protected]

Đề Thám, P. Cầu Ông Lãnh, Quận 1, TPHCM.

Điện thoại: 0904.104.238

Email: [email protected]