Kỳ vọng sự đột phá về thủ tục visa


Cập nhật: 22/06/2015

Mới đây Chính phủ đã nhất trí với đề xuất của Bộ VHTT&DL về các giải pháp đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh.

Cuối tuần qua là quyết định cho phép miễn thị thực cho khách từ 5 nước (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia) nhập cảnh vào Việt Nam. Tín hiệu lạc quan này khiến cho nhiều người kỳ vọng những vướng mắc về visa kéo dài từ lâu sẽ được tháo gỡ, bởi thực tế những bất cập này đang làm giảm lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Khách khó chịu với thủ tục visa
Mặc dù theo Tổ chức Du lịch thế giới, visa là một trong những giải pháp hàng đầu mà các nước thường ưu tiên để thu hút khách đến với mình. Tuy nhiên, Việt Nam đang không tận dụng được lợi thế này do có quá nhiều bất cập liên quan đến visa. Các chuyên gia du lịch cho rằng, số lượng quốc gia được miễn thị thực ít, thủ tục rườm rà và đôi khi chi phí bị “đội lên” cao khiến du lịch Việt giảm sức hút so với các nước trong khu vực.

Ngành du lịch tàu biển hiện nay của Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, điều DN tàu biển mong muốn nhất là chính sách về visa được tháo gỡ sao cho nhanh, gọn và thuận lợi. Thực tế, tàu ghé vào thường chỉ có 5 - 6 tiếng, cùng lắm là 8 tiếng, nhưng phải làm quá nhiều thủ tục. Dù hiện nay, thủ tục được thực hiện đã nhanh hơn trước, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, ví dụ phải duyệt trước rồi mới được vào. Nếu tàu vào đúng dịp lễ hoặc thứ Bảy, Chủ nhật thì còn khó khăn hơn nữa.
Ông Phan Xuân Ánh - Giám đốc Viet Excursion


Lãnh đạo một DN phải thốt lên rằng, các quy định thị thực hiện nay và hệ thống xử lý visa của Việt Nam thuộc loại “phức tạp nhất Đông Nam Á”. Điều này khiến lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam “lép vế” nếu so sánh với các nước trong khu vực. Lệ phí visa của Việt Nam không chỉ cao hơn các nước trong khu vực, mà thủ tục còn phức tạp từ khâu DN xin phép Bộ Công an duyệt đến khâu duyệt của các Đại sứ quán Việt Nam ở các nước. Trong khi mức phí visa của Campuchia, Lào, Indonesia là 30 USD thì phí visa của Việt Nam là 45 USD. Không chỉ vậy, hồ sơ làm visa yêu cầu rất nhiều giấy tờ, từ photo hộ chiếu, vé máy bay đến hợp đồng đặt phòng khách sạn và cả thẻ Hướng dẫn viên du lịch để bảo lãnh làm visa cho khách. Thậm chí, lệ phí visa bị đội lên đến 4 - 5 lần so với thực tế, khiến chi phí đắt đỏ.
Theo phản ánh của DN, thủ tục visa làm cho khách tại cửa khẩu (khi đã có công điện của Bộ Công an đồng ý) cũng làm khách… khó chịu (!). Thời gian chờ đợi dán một thị thực rất lâu, có những đoàn mất 1 – 1 giờ 30 phút mới xong cho một khách. Không chỉ du khách mà cả các DN du lịch cũng cảm thấy phiền phức. Đã vậy, chính sách visa của Việt Nam còn được xem là thiếu thân thiện nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nếu tính cả quyết định miễn visa cho công dân 5 nước (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia) khi nhập cảnh Việt Nam vừa được Chính phủ đồng ý (tại Nghị quyết 46/NQ-CP, hiệu lực từ 1/7/2015 đến 30/6/2016), hiện tại Việt Nam mới miễn visa cho công dân 21 nước (trước đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và 9 nước ASEAN theo thỏa thuận). Tuy nhiên, với ngần ấy quốc gia được miễn visa, Việt Nam vẫn đứng trong Top 4 quốc gia miễn thị thực cho ít quốc gia nhất khu vực, cùng với Indonesia (15 nước), Myanmar (6 nước), Campuchia (19 nước). Thậm chí, nước ta còn lép vế hơn so với nước bạn Lào (đã miễn visa cho 40 quốc gia), còn các nước trong khu vực ASEAN khác đương nhiên có chính sách thông thoáng hơn Việt Nam rất nhiều, như Singapore (miễn visa cho 158 nước), Philippines (157 nước), Malaysia (155 nước), Thái Lan (55 nước).
Hy vọng cải thiện bất cập
Có thể nói, tình trạng du khách quốc tế đến Việt Nam giảm liên tiếp trong 11 tháng qua có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, không thể không thẳng thắn nhìn nhận, những hạn chế về visa đã và đang giảm khả năng thu hút khách, thậm chí còn khiến khách “một đi không trở lại”. Do vậy, một trong những giải pháp cấp bách được Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất để cứu vãn tình hình hiện tại là mở rộng thị trường được miễn thị thực và miễn phí cấp visa cho tất cả khách quốc tế đến Việt Nam trong vòng 6 tháng đã nhận được sự đồng tình cao của DN. Thực tế cho thấy, chính sách miễn visa đơn phương cho 7 nước của Việt Nam, trong đó có 3 nước quan trọng là Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Năm 2004, nhóm khách này vào Việt Nam chỉ đạt 529.000 lượt, đến 2014 đã tăng lên 1.861.000 lượt khách, tăng 352%, tăng gấp rưỡi so với bình quân tổng lượng khách của cả nước (tăng 269%).
Được biết, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng vừa qua, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ VHTT&DL về các giải pháp đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, trong đó có tính đến việc miễn thị thực cho một số thị trường trọng điểm. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo miễn thị thực có thời hạn đối với công dân Belarus và cuối tuần vừa rồi là quyết định miễn thị thực cho công dân 5 nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia. Với những tín hiệu lạc quan này, hi vọng những bất cập về visa trong thời gian tới sẽ được cải thiện, để du lịch Việt có thể vươn lên trong thời gian tới.

Thực tế, câu chuyện tháo gỡ những vướng mắc về visa là vấn đề lúc nào DN cũng quan tâm và kỳ vọng Chính phủ quan tâm nếu coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý làm thế nào cải thiện được hệ thống cấp visa đơn giản, nhanh chóng, tiện lợi hơn cho du khách, còn nếu được miễn visa thì quá tốt. Hiện nay Hanoi Redtours không hướng vào những quốc gia đang được miễn visa mà đang tập trung vào một số thị trường tiềm năng mà lại rất khó về visa, ví dụ Ấn Độ, các nước Trung đông, Sri Lanka... Tuy nhiên, những nước này lại không phải không có tiềm năng về du lịch, vậy nên nếu cần thực hiện cam kết khách đó vào Việt Nam đúng mục đích du lịch thì sẽ được miễn visa, chúng tôi sẵn sàng thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh -  Tổng Giám đốc Hanoi Redtou

Số 162 Tòa Nhà Trameco Khuất Duy Tiến,Thanh Xuân ,Hà Nội

Tel: 0966.994.360

Email: [email protected]

Đề Thám, P. Cầu Ông Lãnh, Quận 1, TPHCM.

Điện thoại: 0904.104.238

Email: [email protected]