Báo cáo của Liên hợp quốc cho rằng, các hiệp định đa phương có thể gây hại cho một số nước tham gia và không nên khuyến khích hoặc thúc đẩy các nước đang phát triển từ bỏ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế khi tham gia các hiệp định. Các nước đang phát triển được khuyến cáo cần xem xét cẩn trọng việc mất tự chủ về chính sách khi tham gia vào các hiệp định song phương và khu vực, cũng như các hiệp định về đầu tư.
Thông thường, các hiệp định này thường đưa ra các cam kết chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực đề cập tới hoặc mở rộng sang những lĩnh vực mới, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải từ bỏ sử dụng các công cụ hiệu quả phục vụ công nghiệp hóa. Về ngắn hạn, các cam kết về chính sách và pháp lý chặt chẽ có thể mang lại lợi ích thương mại và công ăn việc làm, song về dài hạn có thể tạo ra những các loại bẫy khiến các nhà sản suất rơi vào các "trận địa hàng hóa" hoặc các lỗ hổng sản xuất giá trị thấp.
Trung Quốc là một ví dụ. Mặc dù, Trung Quốc hiện chiếm 1/3 tổng thương mại trong ngành điện tử, song các hãng sản xuất Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 3% tổng lợi nhuận trong lĩnh vực này.
Cơ chế trọng tài không thường trực thiếu tính minh bạch và chặt chẽ cũng khiến cho các nước đang phát triển không khỏi bị thua thiệt.
Liên hợp quốc cảnh báo, tình trạng suy thoái và tăng trưởng thấp kéo dài khiến nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ của các nước phát triển chậm lại. Và chính chính sách tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu của các nước đang phát triển sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ tình trạng này. Do đó, các nước đang phát triển được khuyến cáo cần thực hiện các chính sách công nghiệp và thương mại chủ động, linh hoạt nhằm giúp tạo ra những điều chỉnh cần thiết cho năng lực sản suất. Chính sách công nghiệp cần được duy trì để phát triển các ngành chế xuất. Công nghiệp hóa cần tiếp tục được thúc đẩy thông qua đầu tư và khuyến khích kết nối giữa thương mại và tích lũy vốn. Khu vực tư nhân cần được hỗ trợ mở rộng và đa dạng hoá hoạt động sang các lĩnh vực sản xuất tiềm năng. Việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cần được chú trọng. Cân bằng giữa xuất khẩu và nhu cầu nội địa cần được lưu ý.