Bổ sung đầy đủ và minh bạch quy định về địa bàn hoạt động hải quan


Cập nhật: 22/09/2014

 Quy định hiện hành về địa bàn hoạt động hải quan đã ảnh hưởng không ít tới hiệu quả chống buôn lậu và gian lận thương mại của lực lượng kiểm soát Hải quan. Khắc phục những bất cập này, Luật Hải quan số 54/2014/QH13 đã bổ sung đầy đủ và minh bạch các quy định về địa bàn hoạt động hải quan.

Điều 7 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 (có hiệu lực từ 1-1-2015) đã quy định về phạm vi địa bàn hoạt động của hải quan: “Khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế; cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; khu vực đang lưu giữ hàng hóa chịu sự giám sát hải quan, khu chế xuất, khu vực ưu đãi hải quan; các địa điểm làm thủ tục hải quan, kho ngoại quan, kho bảo thuế, bưu điện quốc tế, trụ sở người khai hải quan khi kiểm tra sau thông quan; các địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong lãnh thổ hải quan”.

Đồng thời, bổ sung các địa điểm là địa bàn hoạt động hải quan, gồm: “Khu vực, địa điểm khác đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, được phép xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

Luật Hải quan cũng đã quy định: “Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan”. Theo đó, những địa điểm nào thuận lợi cho hoạt động thương mại thì Thủ tướng sẽ quy định cụ thể địa bàn hoạt động hải quan.

Tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 107/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; quan hệ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật hải quan đã quy định cụ thể địa bàn hoạt động hải quan.

Trong đó cơ bản giữ nguyên phạm vi địa bàn như quy định hiện hành, đồng thời bổ sung cụ thể thêm các địa bàn hoạt động hải quan phù hợp Điều 7 Luật Hải quan sửa đổi tại Điều 9 và Điều 10 dự thảo. Cụ thể là Điều 9 dự thảo quy định phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại các khu vực ngoài cửa khẩu có thực hiện quản lý hải quan, bổ sung một số quy định phù hợp với Luật Hải quan như: Trụ sở của các đơn vị hải quan; Địa điểm thu gom hàng lẻ (CFS); Kho của DN bán hàng miễn thuế; Khu vực tổ chức hội chợ, triển lãm hàng hoá NK; Khu vực địa điểm kiểm tra thực tế hàng hoá tại cơ sở sản xuất, công trình; địa điểm kiểm tra thực tế hàng hoá tập trung theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng bổ sung 5 loại địa bàn khác phù hợp với Luật Hải quan 2014, gồm: Khu vực, địa điểm có ranh giới xác định đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, được phép XNK, quá cảnh hàng hoá, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Các khu vực được xác định là cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan có đủ 3 lực lượng Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch hoạt động, có cơ sở hạ tầng đảm bảo quản lý nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương; Trụ sở người khai hải quan, kho bãi, nhà xưởng lưu giữ hàng hoá XK, NK của người khai hải quan khi kiểm tra sau thông quan; Khu vực đang lưu giữ hàng hoá chịu sự giám sát hải quan; Tuyến đường nơi đang vận chuyển hàng hoá đang chịu sự giám sát hải quan.

Theo phân tích của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh, việc quy định về địa bàn hoạt động hải quan tại Luật Hải quan 2014 sẽ phục vụ rất nhiều cho công tác điều tra chống buôn lậu, tạo thuận lợi cho các DN hoạt động trong loại hình XNK biên giới.

Cùng với đó, phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ dự thảo Nghị định cũng sẽ giữ nguyên, kế thừa theo quy định hiện hành tại Nghị định 107 kèm theo bảng phụ lục về phạm vi địa bàn hoạt động hải quan.

Phạm vi địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ bao gồm ranh giới xác định của cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, và ranh giới xác định các địa điểm thuận lợi, nơi có hoạt động XNK hàng hoá nhằm tạo cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan Hải quan trên từng địa bàn phù hợp với địa hình, địa thế, thực tế của từng địa phương.

Nghị định 107 đã quy định cụ thể địa bàn hoạt động hải quan, đã tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, xuất cảnh, nhập cảnh và các hoạt động kiểm tra, giám sát của lực lượng hải quan. Tuy nhiên, trên thực tế chưa bao quát hết được các địa điểm, khu vực nơi có hoạt động XNK hàng hoá do phạm vi một số cửa khẩu được nâng cấp mở rộng, một số địa bàn thay đổi về địa giới hành chính... Vì vậy, quy định tại dự thảo Nghị định hướng dẫn sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp trên cơ sở rà soát, thống nhất với UBND tỉnh, thành phố và cơ quan chức năng trên địa bàn (Công an, Biên phòng).

 

Theo Ban soạn thảo Nghị định quy định phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, quan hệ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật hải quan được xây dựng dựa trên quan điểm, nguyên tắc sau:

Bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, Luật Hải quan sửa đổi năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, quan hệ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Bảo đảm các quy định phải đầy đủ, cô đọng, cụ thể rõ ràng về địa bàn, ranh giới địa bàn hoạt động hải quan phù hợp với Điều 7 Luật Hải quan sửa đổi năm 2014.

Bảo đảm quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, lực lượng trong quan hệ phối hợp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

Kế thừa các nội dung của Nghị định 107/2002/NĐ-CP còn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn quản lý hải quan; đồng thời sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý hải quan hiện nay.

Số 162 Tòa Nhà Trameco Khuất Duy Tiến,Thanh Xuân ,Hà Nội

Tel: 0966.994.360

Email: [email protected]

Đề Thám, P. Cầu Ông Lãnh, Quận 1, TPHCM.

Điện thoại: 0904.104.238

Email: [email protected]