Xuân về Vãn cảnh Chùa Chuông


Cập nhật: 23/09/2014

Xuân về cho cỏ cây tốt tươi, cho lễ hội tưng bừng, cho lòng người rộn rã. Và giữa những náo nức của không khí xuân rộn ràng, chùa Chuông (thành phố Hưng Yên) vẫn đứng trầm mặc, như né mình tránh những xô bồ của chốn trần tục. Đến chùa Chuông vãn cảnh du khách sẽ thấy mình như đang hiện diện ở một thế giới khác, thanh tịnh và yên bình.

Chùa Chuông – phố Hiến đệ nhất danh lam

      Không chỉ nổi tiếng là một địa danh tâm linh trong quần thể di tích lịch sử Phồ Hiến, chùa Chuông còn hiện diện như một danh thắng đẹp của Hưng Yên, đẹp đến nao lòng du khách. Chẳng thế mà “Hưng Yên tỉnh nhất thống chí” của Trịnh Như tấu có viết: “Chùa Chuông – phố Hiến đệ nhất danh lam”.

      Đến thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, hỏi đường về chùa Chuông, từ xa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng chiếc cổng tam quan cổ kính với ba tầng lầu lộng lẫy, kết hợp giữa lối kiến trúc truyền thống của dân tộc và phong cách mỹ thuật Trung Quốc.

 

    Tam quan chùa Chuông

    Qua tam quan uy nghi, sẽ đến chiếc ao mắt rồng với dòng trong, dòng đục. Đi trên cầu đá xanh gồm ba nhịp được dựng từ năm 1702, bước qua đôi dòng trong đục, ta như thấy được ta trọn vẹn, thấy như đang gột rửa được bụi trần để đi gần về phần “người” trong ta hơn.

 

Cầu đá cổ chùa Chuông   

      Bước tới sân chùa, du khách sẽ được đắm mình trong một không gian rộng rãi, thoáng đãng với cây cối tốt tươi, xanh mát, có chim chóc líu lo và bóng chùa ẩn hiện. Sân chùa được lát hoàn toàn bằng gạch bát tràng, giữa sân, con đường nhất chính đạo lát đá xanh rì chạy thẳng đến nhà tiền đường. Theo quan niệm của nhà Phật thì nhất chính đạo là con đường duy nhất giúp người ta giải thoát khỏi bể khổ. Đi trên con đường ấy, mọi ưu tư, muộn phiền đè nặng tâm trí, mọi khổ hạnh trần tục như đang dần được tiêu tan. Ta như  thanh thản đứng giữa đất trời, lòng rộng mở đón chào những thanh âm trong trẻo.

      Không chỉ có cảnh trí thoáng đãng, xanh tươi, chùa Chuông còn hấp dẫn bởi một hệ thống tượng Phật độc đáo, đẹp mắt và vô cùng phong phú. Nổi bật nhất trong số đó là 8 bức tượng Kim Cương, 18 bức tượng La Hán, 4 bức tượng Bồ tát chạy dọc theo hai dãy hành lang. Các tượng đều làm từ đất sét và được các nghệ nhân tạo tác rất công phu, trong tư thế ngồi thoải mái, nét mặt thể hiện sâu sắc tâm trạng buồn vui, ưu tư hay thoát tục sinh động. Chùa còn có phù điêu Thập điện Diêm Vương tả lại 10 nhục hình mà Diêm Vương trừng phạt các tội đồ khi về thế giới bên kia và hai động Phật bằng đất mô tả quá trình tu hành đắc đạo của đức Phật. Đứng giữa hai thái cực của những nhục hình và sự siêu thoát, ta như ngộ được cho mình con đường sống chân chính nhất để đi tới hạnh phúc.

 

Hệ thống tượng La Hán rất đặc sắc tại chùa Chuông      

Trong số các cổ vật còn lại đến ngày hôm nay, đặc biệt chùa Chuông còn lưu giữ được tấm bia đá mang tên Kim Chung tự thạch bia ký, được dựng từ năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711) và cây hương đá “thạch trụ” ghi lại cảnh đẹp của Phố Hiến xưa và công đức của nhân dân tu sửa chùa. Hiện nhà chùa còn tiếp tục cho tu sửa một số hạng mục bên ngoài chùa nhằm khiến cho cảnh quan thêm hấp dẫn du khách.

    Xuân về, đến chùa Chuông vãn cảnh, chiêm bái và lễ Phật, du khách sẽ thêm một lần thấy lòng mình như được gột rửa khỏi những gánh nặng hồng trần để nhẹ nhàng trở về với những quay cuồng của cuộc sống hiện tại. Và rồi sẽ được thêm hiểu, thêm yêu về vùng đất Hưng Yên văn hiến từng nổi tiếng một thời “thứ nhất Kinh Kì, thứ nhì phố Hiến”.

Số 162 Tòa Nhà Trameco Khuất Duy Tiến,Thanh Xuân ,Hà Nội

Tel: 0966.994.360

Email: [email protected]

Đề Thám, P. Cầu Ông Lãnh, Quận 1, TPHCM.

Điện thoại: 0904.104.238

Email: [email protected]