Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 7 đã có gần 9 triệu tấn thép ngoại nhập về Việt Nam, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu đem con số nhập khẩu này so sánh với lượng thép sản xuất trong nước sẽ thấy còn nhiều hơn lượng hàng bán được của các nhà sản xuất thép nội. Cho dù Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp phòng vệ thương mại cho riêng ngành thép nhưng tình trạng gian lận thương mại của thép nhập khẩu vẫn có xu hướng gia tăng.
Đơn cử như vụ liên ngành Hải quan và Công an TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hải quan Đồng Nai bắt vụ khai báo sai tới 3 triệu USD nhằm trốn thuế của một số sản phẩm thép nhập khẩu mới diễn ra gần đây. Chiêu thức gian lận mà các nhà nhập khẩu thường sử dụng là khai báo đánh tráo sản phẩm thép từ loại thuế cao sang sản phẩm bị đánh thuế thấp, thay đổi xuất xứ từ quốc gia bị đánh thuế sang những quốc gia không bị đánh thuế.
Dù thực trạng trên đã bị lực lượng Hải quan “bắt bài”, tuy nhiên vẫn không thể kiểm soát hết dẫn tới nhiều vụ gian lận trót lọt mà không bị phát hiện. Từ đó, các doanh nghiệp thép nội địa đề xuất ngoài việc tăng cường các cơ chế phòng vệ, tăng cường công tác thanh kiểm tra thì việc đưa các doanh nghiệp có vi phạm trong công tác nhập khẩu phải bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Các chuyên gia kinh tế, cho rằng, nếu tình trạng dư thừa thép trong nội địa tiếp tục diễn ra, cộng thêm bối cảnh nguồn cung từ Trung Quốc quá dồi dào có thể dẫn tới sự bất ổn định thị trường nghiêm trọng. Đồng thời cần xem lại tổng thể quy hoạch ngành thép, không thể để tình trạng các dự án thép tràn lan với dây chuyền công nghệ sản xuất lạc hậu, như vậy không những không cạnh tranh được với thép nhập khẩu mà còn gây tác động tiêu cực tới môi trường.