Hai lần bị lập biên bản cấm xuất cảnh
Đó là trường hợp của ông Võ Thành Tiên, hiện thường trú tại: 463B/7 Cách Mạng Tháng 8 - phường 13, quận 10, TP HCM. Trước kia công tác tại Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Cái Đôi Vàm (CĐV) tại tỉnh Cà Mau. Hiện nay, ông Tiên đã chuyển công tác và về sinh sống tại TP HCM.
Trong đơn khiếu nại gửi Báo Pháp luật Việt Nam, ông Tiên cho biết, vào ngày 13/3/2017 ông ra sân bay Tân Sơn Nhất để đi Ấn Độ do có công việc với đối tác. Tại cửa khẩu Quốc tế Tân Sơn Nhất, Công an Cửa khẩu Quốc tế Tân Sơn Nhất (CATSN) thông báo, ông Tiên bị Công an tỉnh Cà mau (CACM) cấm xuất cảnh.
Đồng thời, Công an Cửa khẩu Quốc tế Tân Sơn Nhất (CATSN) đã lập biên bản chưa giải quyết xuất cảnh đối với ông Tiên. Hoàn toàn bất ngờ việc Công an tỉnh Cà Mau cấm xuất cảnh đối với mình. Sau này, ông Tiên được biết: CACM phong tỏa cấm xuất cảnh đối với ông là do yêu cầu của Tòa án tỉnh Cà Mau...
Ông Võ Thành Tiên tiếp tục tìm hiểu thì được biết, CACM cấm ông xuất cảnh từ ngày 10/12/2015 đến 10/12/2017 nhưng lệnh cấm này được gửi cho Cục quản lý Xuất nhập cảnh ngày 6/1/2016. Trong khi đó ngày 13/1/2016 ông vẫn xuất cảnh sang Campuchia để dự họp với các đối tác Ấn Độ, Myanma, Campuchia...
Trước sự phản ứng quyết liệt của ông Tiên, ngày 14/3/2017 CACM thông báo cho ông rằng, lệnh phong tỏa cấm xuất cảnh đối với ông được dỡ bỏ, CACM gởi thông báo này qua email cho ông Tiên.
Vì công việc kinh doanh đã ký kết với đối tác tại Ấn Độ nên ông tiếp tục ra sân bay ngày 14/3/2017. Khi tiến hành làm thủ tục tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất, ông thật sự lại bất ngờ khi CATSN lại cấm ông xuất cảnh với lý do như trước đó ông đã bị từ chối vào ngày 13/3/2017.
Tắc tránh, vô cảm với công dân?
Về lệnh cấm này, Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Cà Mau cho biết như sau: “Năm 2007, Công an tỉnh Cà Mau điều tra vụ án sử dụng hóa đơn giả tại Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Cái Đôi Vàm (Công ty CĐV). Trong quá trình điều tra CACM cấm xuất cảnh 21 người, trong đó có ông Tiên, lệnh cấm này có hiệu lực 5 năm, từ 13/5/2009 đến 13/5/2014.
Trong quá trình điều tra, không chứng minh được ông Tiên có hành vi phạm tội. Năm 2009, khi ông Tiên xin xuất cảnh sang Singapore dài hạn để nuôi con trai điều trị bệnh, Công an tỉnh Cà Mau cho ông Tiên xuất cảnh...”.
Tuy nhiên ở một diễn biến khác, theo ông Võ Thành Tiên cho biết: “Khi con trai mất, tôi quay lại Việt nam, từ đó đến ngày 13/3/2017 tôi vẫn xuất cảnh đi nước ngoài làm ăn bình thường. Vụ án tại Công ty CĐV tôi hoàn toàn không biết gì bởi suốt quá trình điều tra, xử án, không một cơ quan tố tụng tỉnh Cà mau nào mời tôi cả.
Đến nay vụ án đã kết thúc, nhưng tôi lại bị cấm xuất cảnh cho đến ngày 10/12/2017. Ngoài thiệt hại vật chất, tôi cảm thấy danh dự bị xúc phạm, quyền công dân của tôi bị tước bỏ...” - ông Tiên nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, lệnh cấm ông Tiên xuất cảnh lần 2 của Công an tỉnh Cà Mau xuất phát từ một danh sách do Tòa án án gửi Công an tỉnh Cà Mau (CACM) ngày 29/9/2015: Danh sách cấm xuất cảnh theo danh sách ngày 18/5/2009 của cơ quan điều tra.
Chỉ với một danh sách (gồm 9 người) từ năm 2009 mà Công an tỉnh Cà Mau đề nghị Cục quản lý Xuất nhập cảnh cấm cả 9 người xuất cảnh trong 2 năm.
Điều đáng chú ý là trong danh sách này, hiện nay có những người không liên quan gì đến vụ án, hiện họ đang công tác tại một số sở, ngành của địa phương. Họ chưa có dịp ra sân bay làm thủ tục xuất cảnh nên họ không biết mình bị cấm...
Theo ông Võ Thành Tiên cho biết, dù đã đơn phương vi phạm hợp đồng với đối tác Ấn Độ, thiệt hại không nhỏ. Điều đáng đáng nói là ông Tiên vẫn không dám mua vé máy bay để đi giao dịch công việc ở nước ngoài bởi không biết lệnh cấm xuất cảnh của mình đã được dỡ bỏ chưa?! Câu trả lời xin giành cho Công an tỉnh Cà Mau.