Lệ phí gia hạn hộ chiếu là 100.000 đồng/lần cấp
Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư 219/2016/TT-BTC về mức phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, thay thế Thông tư 157/2015/TT-BTC. Bên cạnh đó, Thông tư này cũng quy định một số mức phí, lệ phí mới như lệ phí cấp thẻ ABTC của thương nhân APEC là 1.200.000 đồng/lần cấp đầu tiên và 1.000.000 đồng khi cấp lại. Phí cấp thị thực đối với loại có giá trị trên 01 tháng đến 02 năm là 145 USD. Phí cấp thị thực đối với loại có giá trị trên 05 tháng đến 05 năm là 155 USD. Phí cấp thị thực cho trẻ em dưới 14 tuổi (không phân biệt thời hạn) là 25 USD. Phí cấp thị thực theo Thỏa thuận song phương về cấp thị thực giá trị nhập xuất cảnh nhiều lần, thời hạn 01 năm là 100 USD.
Tăng phòng karaoke phải chịu phí 2 triệu/phòng tại đô thị
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 212/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường, thay thế Thông tư số 156/2012/TT-BTC. Theo đó, mức thu phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke lần đầu không có thay đổi so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, tại các thành phố trực thuộc trung ương và tại các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh thì trường hợp các cơ sở đã được cấp phép kinh doanh karaoke đề nghị tăng thêm phòng, mức thu là 2.000.000 đồng/phòng.
Tại khu vực khác (trừ các khu vực trên) thì các cơ sở đã được cấp phép kinh doanh karaoke đề nghị tăng thêm phòng, mức thu là 1.000.000 đồng/phòng. Tổ chức, cá nhân khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này.
Bắt đầu thu phí đổi Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân
Đây là quy định mới nổi bật tại Thông tư 256/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân, thay thế Thông tư 170/2015/TT-BTC. Theo đó, thay vì được miễn lệ phí như hiện nay thì kể từ ngày 01/01/2017, công dân phải nộp lệ phí khi thực hiện đổi CMND 9 số, 12 số sang Căn cước công dân.
Ngoài ra, các đối tượng hiện không phải nộp lệ phí cũng bắt đầu phải nộp bao gồm: Công dân từ 16 tuổi trở lên làm thủ tục cấp mới thẻ Căn cước công dân; Công dân đổi thẻ Căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi. Mức lệ phí áp dụng cho tất cả các trường hợp nêu trên là 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Đối với công dân dưới 16 tuổi khi làm thủ tục cấp mới thẻ Căn cước công dân sẽ được miễn lệ phí.
Giảm lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề luật sư
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 220/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực hoạt động hành nghề luật sư, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, thay thế Thông tư 02/2012/TT-BTC và Thông tư 118/2015/TT-BTC.
Theo đó, giảm lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề luật sư từ 400.000 đồng xuống 100.000 đồng/lần cấp. Đồng thời, bổ sung một loạt phí mới trong lĩnh vực hoạt động hành nghề luật sư như: Phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề luật sư 800.000 đồng/lần; Phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam, phí thẩm định điều kiện hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam là 5.000.000 đồng/lần; Phí thẩm định điều kiện gia hạn hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam, phí thẩm định điều kiện thay đổi nội dung hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam là 3.000.000 đồng/lần.
Phí và lệ phí đối với chuyến bay nước ngoài đến Việt Nam
Thông tư 194/2016/TT-BTC về phí hải quan và lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam cũng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, thay thế Quyết định 179/2000/QĐ-BTC.
Theo đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài có chuyến bay đến các Cảng hàng không Việt Nam (trừ một số trường hợp tại Điều 3 Thông tư) phải nộp: Phí hải quan: 50 USD/chuyến bay đến; Lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay: 50 USD/chuyến bay đến.
Trường hợp chuyến bay của nước ngoài vận chuyển quốc tế kết hợp nhiều điểm tại Việt Nam trong cùng chuyến thì chỉ thu 1 lần phí hải quan và lệ phí ra, vào tại cảng hàng không, sân bay đến đầu tiên.
Thời gian nộp phí, lệ phí là trước khi tàu bay cất cánh; nếu bay theo lịch bay, phải nộp trước khi tàu bay cất cánh hoặc nộp theo tháng, chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo.
Phí giải quyết khiếu nại đối với hành vi hạn chế cạnh tranh: 100 triệu đồng/vụ
Theo Thông tư 215/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh, mức phí giải quyết khiếu nại vụ việc cạnh tranh là 10 triệu đồng/vụ việc đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, 100 triệu đồng/vụ việc đối với hành vi hạn chế cạnh tranh.
Mức phí là 10 triệu đồng/vụ việc được áp dụng đối với giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Mức phí 50 triệu đồng/hồ sơ được áp dụng đối với thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh.
Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước.
Biểu phí chứng thực hợp đồng, giao dịch năm 2017
Thông tư 226/2016/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực đã quy định tăng mức phí chứng thực hợp đồng, giao dịch. Cụ thể, mức phí chứng thực hợp đồng, giao dịch là 50.000 đồng/hợp đồng, giao dịch (tăng 20.000 đồng). Phí chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch: 30.000 đồng/hợp đồng, giao dịch (tăng 10.000 đồng). Phí sửa lỗi sai sót trong hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực: 25.000 đồng/hợp đồng, giao dịch (tăng 15.000 đồng).
Mức thu phí chứng thực bản sao từ bản chính, phí chứng thực chữ ký không đổi so với quy định hiện hành (chỉ khác trong tên gọi, hiện hành gọi là lệ phí).
Toàn bộ tiền phí thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước. Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động thì được trích lại 50% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP.