Bức tranh toàn cảnh về lao động chui VIệt Nam ở nước ngoài


Cập nhật: 14/01/2015

 Sau khi loạt bài “Góc khuất bi ai của những số phận bỏ tiền đi lao động chui ở Trung Quốc” đăng tải, PV báo Đời sống và Pháp luật đã liên hệ với cơ quan chức năng có liên quan để tìm hiểu thêm về vấn đề trên.
Đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) xác nhận: “Tình trạng liên quan đến môi giới, lừa đảo, tuyển lao động bất hợp pháp dưới danh nghĩa đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp”.

Người lao động nhẹ dạ tin vào “bánh vẽ”
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong không giấu nổi sự lo lắng trước tình trạng lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc chui ngày càng nhiều. Đặc biệt là ở những vùng giáp biên giới. Theo TS. Phong, một phần là do gần địa bàn người lao động trước nay vẫn có thói quen đi như vậy. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dân quá lớn nên hiện nay, bên cạnh hệ thống doanh nghiệp, trung tâm môi giới xuất khẩu lao động vốn đã quá khó quản lý, ngày càng xuất hiện thêm nhiều đường dây đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động trái phép. Nhiều doanh nghiệp không có chức năng xuất khẩu lao động cũng công khai tuyển người, nhiều cá nhân lập công ty để lừa đảo người lao động nhẹ dạ, cả tin bằng chiếc bánh vẽ: Chi phí rẻ, công việc đơn giản, lương cao.
Với ước mơ đổi đời thoát khỏi cuộc sống nghèo túng, không ít người đã chọn con đường như vậy để ra nước ngoài kiếm tiền. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết, vì muốn giảm chi phí hoặc có những người sau khi hết thời hạn hợp đồng muốn ở lại "kiếm thêm chút ít"... mà họ đã trở thành những lao động cư trú bất hợp pháp. Cuộc sống của họ phải chui lủi trốn tránh pháp luật và rất nhiều nguy cơ rình rập, đặc biệt nếu có rủi ro về sức khỏe, tính mạng thì họ không nhận được bất cứ sự đảm bảo nào.

Luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng đã từng lắng nghe nhiều câu chuyện liên quan đến các đối tượng lừa người đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài. Vị luật sư này chia sẻ, hiện nay tại nhiều địa phương tồn tại tình trạng cá nhân hoặc tổ chức không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng vẫn đứng ra môi giới lừa người dân đi lao động trái phép ở nước ngoài. Họ có thể nói với các đối tượng bị lừa là sang nước ngoài làm công việc an nhàn, hưởng lương cao. Tuy nhiên thực tế, nhiều người tưởng rằng được làm may nhưng thực ra đi làm osin gia đình thay vì làm chăm sóc y tế như kẻ lừa đảo giới thiệu. Đây là những công việc hoàn toàn khác nhau. Sau đó những người lao động đáng thương bị bỏ mặc, lương không có, lại không về nước được.
Những trường hợp lừa người khác đi xuất khẩu lao động sẽ xin visa du lịch nhưng nói là lao động để đưa người dân sang nước ngoài an toàn. Ngoài ra, còn có những cá nhân, tổ chức vượt biên trái phép sang Trung Quốc để đưa người vào làm việc tại các tỉnh gần biên giới... Tất cả các trường hợp này đều bị xử lý vào tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác, bất kể đó là cá nhân hay tập thể.
Bức tường lửa và các biện pháp phòng ngừa
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho hay, cùng với sự phát triển và mở rộng thị trường của công tác xuất khẩu lao động, tình trạng môi giới, lừa đảo, tuyển lao động bất hợp pháp dưới danh nghĩa đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Nước ta có biên giới tiếp giáp với 3 nước là Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia. Cư dân vùng biên giới thường xuyên có nhu cầu đi lại, thăm viếng, làm việc theo mùa vụ qua các đường mòn. Một số trường hợp khác lại lợi dụng việc một số nước tuyển chọn lao động không thông qua chương trình hợp tác của Chính phủ đã tạo điều kiện cho các đường dây, tổ chức môi giới đưa người sang lao động trái phép. Các tổ chức này thường không chỉ ở một nước nhất định và hoạt động đơn lẻ mà liên kết giữa nhiều nước với nhau, hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường nhằm trốn tránh sự phát hiện và đấu tranh của các cơ quan chức năng.
Từ năm 2011 đến nay, Cục đã phối hợp, cung cấp thông tin và chuyển hồ sơ của 83 vụ liên quan đến các tổ chức, cá nhân đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài bất hợp pháp cho công an các cấp xử lý. Bộ Công an và Bộ LĐ,TB&XH đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BCA-BLĐTBXH ngày 18/1/2005 hướng dẫn công tác phòng ngừa và chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Hai Bộ đã phối hợp rất chặt chẽ, phát hiện, thu hồi, và trả lại tiền cho nhiều người lao động.
Cũng theo thông tin từ Cục QLLĐNN, để khắc phục tình trạng trên, nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện thúc đẩy di cư hợp pháp, kiên quyết ngăn chặn di cư trái phép. Để việc quản lý dòng di cư đạt hiệu quả cao, giảm thiểu và ngăn chặn tối đa dòng di cư bất hợp pháp, thời gian qua Bộ LĐ,TB&XH đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, các Bộ cùng nhau tăng cường mở rộng di cư hợp pháp, công khai, minh bạch, tuyên truyền rộng rãi các thủ tục, chính sách về di cư của các nước, đặc biệt là tiêu chuẩn cấp visa và tiêu chuẩn nhập cư. Công tác kiểm tra, kiểm soát biên giới cửa khẩu, kết hợp xét duyệt, cấp thị thực, bảo đảm tính chính trực của thị thực cũng được chú trọng hơn.
Đặc biệt, các Bộ cùng phối hợp điều tra, kiên quyết xử lý những tổ chức đưa người di cư trái phép. Các đơn vị cũng tăng cường hợp tác quốc tế ở cấp độ song phương và đa phương trong phòng, chống đưa người di cư trái phép; chia sẻ thông tin về xuất nhập cảnh, phục vụ điều tra, phát hiện và xử lý đường dây, tổ chức đưa người di cư bất hợp pháp. Các đơn vị còn tích cực hợp tác với các nước để giải quyết nhận trở lại công dân không được các nước cho cư trú theo các thỏa thuận song phương, coi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của mình. Việt Nam đã ký thỏa thuận song phương với 17 nước về nhận trở lại công dân.
Đại diện Cục QLLĐNN cũng nhấn mạnh, các Bộ còn xây dựng cơ chế trao đổi thông tin giữa các quốc gia có chung đường biên giới hoặc nằm trên các tuyến đường mà người di cư được đưa đi bất hợp pháp. Đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin xuất nhập cảnh với các nước phục vụ công tác chống đưa người di cư trái phép, buôn bán người; tập trung trao đổi thông tin cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả, các trường hợp mạo danh; các đối tượng tổ chức đưa người di cư trái phép,... Hiện tại, Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác trao đổi thông tin xuất nhập cảnh với úc, Anh, Nga và đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả người di cư bất hợp pháp.
Trong các giải pháp được đề cập, các đơn vị còn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các xã, huyện biên giới lồng ghép các chương trình, dự án ở địa phương, ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm nhằm tạo việc làm tại chỗ cho người lao động ở các xã, huyện biên giới. Đặc biệt, đào tạo nghề phù hợp cho người lao động nông thôn để đi làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu lao động thông qua con đường hợp pháp.
Cục này cũng cho hay sẽ đàm phán với các huyện, thành phố/tỉnh của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam để thống nhất trao đổi thông tin và hỗ trợ quản lý, bảo vệ quyền lợi lao động của địa phương di cư lao động tự do sang làm việc. Trước mắt có thể tạo điều kiện để các tỉnh giáp biên đưa chương trình hợp tác lao động vào chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội cấp địa phương giữa hai tỉnh giáp biên, hai bên có thể có văn bản ghi nhớ về việc hợp tác và bảo vệ quyền lợi lao động di cư tự do qua biên giới hai nước làm việc.
Lỗ hổng pháp lý?
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, trái ngược với tình trạng người dân nước ta phải bỏ tiền đi lao động chui ở nước ngoài là hiện tượng tại một số khu công nghiệp trong nước, ngoài những lao động có chuyên môn kỹ thuật, thì lao động không có chuyên môn nghiệp vụ vẫn được một số doanh nghiệp sử dụng. Phần lớn trong số đó không được cấp phép, đặc biệt là lao động Trung Quốc. Điều này thể hiện sự khiếm khuyết trong các quy định của pháp luật. Vì vậy, các luật quy định liên quan đến nhập cảnh, kiểm soát, lưu trú, kể cả những người di chuyển và đặc biệt là những người lao động vào theo những hợp đồng trúng thầu của các công ty Trung Quốc phải rất chặt chẽ. Bên cạnh đó phải có chế tài xử lý thật chặt chẽ đối với các trường hợp, kể cả với phía Việt Nam và phía Trung Quốc. Phải nâng cao công tác kiểm tra xử lý, tuyên truyền thông tin để tăng cường sự giám sát của chính quyền và người dân.

Số 162 Tòa Nhà Trameco Khuất Duy Tiến,Thanh Xuân ,Hà Nội

Tel: 0966.994.360

Email: [email protected]

Đề Thám, P. Cầu Ông Lãnh, Quận 1, TPHCM.

Điện thoại: 0904.104.238

Email: [email protected]