Cơ chế một cửa quốc gia: tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp


Cập nhật: 01/08/2014

Việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia (NSW) sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn tỏ ra băn khoăn về tính ưu việt cũng như trách nhiệm của từng cơ quan khi triển khai thực hiện NSW.

Giảm đến 20% chi phí

Tại hội thảo "Giới thiệu về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa quốc gia" do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 31-7 tại Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Trưởng Phòng Thương mại quốc tế, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, việc thực hiện NSW sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Từ chỗ thông quan 1 lô hàng có thể phải đi xin giấy phép của nhiều bộ ngành khác nhau rất mất thời gian và phải chuẩn bị nhiều chứng từ, NSW cho phép doanh nghiệp chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất. NSW sẽ là điểm trung chuyển hồ sơ đến những nơi yêu cầu và trả hồ sơ theo đúng thời hạn cố định.

NSW giúp đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, đồng thời rút ngắn thời gian và giảm chi phí trong các thủ tục thông quan giải phóng hàng hóa XNK, quá cảnh.

Bà Hằng cho hay, theo tính toán của cơ quan quản lý, NSW sẽ cắt giảm từ 10 đến 20% chi phí, 30% thời gian cho việc thông quan lô hàng xuất nhập khẩu. Thời gian và chi phí được tiết giảm giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh các hàng nội địa, thâm nhập vào các thị trường lớn cũng như tiếp cận nhiều nguồn lực phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, NSW giúp đảm bảo tính công khai, minh bạch và giúp nâng cao tính dự báo của các cơ chế, chính sách do chính phủ ban hành; nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các cơ quan chính phủ và năng lực quản lý, điều hành của các chủ thể kinh tế tạo tiền đề để sẵn sàng kết nối với cơ chế một cửa ASEAN (ASW) theo trao đổi thông tin thương mại với các đối tác thương mại khác trên toàn cầu.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết thêm, hiện nay NSW mới đi đến giai đoạn hoàn thiện kết nối kỹ thuật. Các bộ: Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải đang đẩy mạnh nâng cấp hệ thống từ bán tập trung sang tập trung, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Quyết định 48 để kéo dài thời gian thí điểm theo dự kiến là đến hết năm 2015. Trong năm 2014, sẽ có thêm các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường kết nối vào NSW.

Doanh nghiệp băn khoăn

Không thể phủ nhận lợi ích của NSW nhưng nhiều doanh nghiệp còn tỏ ra băn khoăn đối với tính ưu việt cũng như phương thức xử lý của hệ thống này. Ông Nguyễn Quang Hùng, đại diện cho Công ty Master Vina (Ninh Bình) phân trần: "Nếu hệ thống gặp sự cố sẽ làm chậm quá trình thông quan cho hàng hóa và khi ấy, trách nhiệm của từng cơ quan tham gia vào hệ thống này như thế nào?".

Giải đáp những băn khoăn cho doanh nghiệp, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian xử lý, tiếp nhận của cổng thông tin này là 24/7. Thời gian xử lý hiện tại tối đa bằng thời gian xử lý thông thường, tuy nhiên theo lộ trình thực hiện NSW, thời gian này sẽ giảm xuống.

Về trách nhiệm của các cơ quan, vị đại diện của Tổng cục Hải quan cho rằng, trong hệ thống thông tin hiện đại như vậy, doanh nghiệp không cần quá lo lắng với việc các cơ quan “đùn đẩy” trách nhiệm cho nhau bởi giao dịch này thực hiện một cách tự động.

Ví dụ, khi doanh nghiệp gửi thông tin, ngay lập tức cổng thông tin sẽ phản hồi đã nhận được thông tin này đồng thời có phần trạng trái xử lý hồ sơ hiện tại (có thể thông tin đang chuyển tới Bộ Công Thương, hoặc Bộ Giao thông vận tải). Hoặc khi hồ sơ thiếu hay sai sót kỹ thuật, cổng thông tin này cũng tự động trả lời cho doanh nghiệp để doanh nghiệp bổ sung, chỉnh sửa.

Hiện các bộ, ngành đang soạn thảo quy chế quản lý vận hành trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành tham gia khi có sự cố xảy ra.

 

Năm 2003, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 quyết định xây dựng cơ chế một cửa ASEAN (ASW) nhằm hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2020 (Thỏa ước Bali II). Năm 2005, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN ký Hiệp định thư về xây dựng và triển khai ASW.

Năm 2006, Các Bộ trưởng tài chính ASEAN ký Nghị định thư về xây dựng và triển khai ASW. Brunei, Indinesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan triển khai ASW vào năm 2008; Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam triển khai vào năm 2012.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp, trên thực tế chỉ có Singapore thực hiện hoàn toàn mô hình này, còn các nước như Thái Lan, Malaysia đã thực hiện cơ chế tại địa bàn xuất nhập khẩu trọng  điểm.

Số 162 Tòa Nhà Trameco Khuất Duy Tiến,Thanh Xuân ,Hà Nội

Tel: 0966.994.360

Email: [email protected]

Đề Thám, P. Cầu Ông Lãnh, Quận 1, TPHCM.

Điện thoại: 0904.104.238

Email: [email protected]