Giới chức sẽ gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch đối với người Việt định cư ở nước ngoài thêm năm năm nữa so với hạn chót được luật định.
Với thời hạn 1/7/2014 đang đến gần trong lúc số người đăng ký tới nay mới đạt chừng 6.000, đây là bước đi không mấy bất ngờ của giới chức nhằm "chữa cháy" chính sách được cho là nhắm tới cộng đồng chừng 4,5 triệu người Việt đang sống ở nước ngoài.
Lời phát biểu "kiều bào nếu không đăng ký thì sẽ mất quốc tịch" của Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn hồi đầu tháng Tư đã khiến chủ đề đăng ký quốc tịch được bàn luận sôi nổi.
"Thông tin ban đầu do Thứ trưởng Sơn đưa ra không rõ ràng, gây phản cảm," nhà văn Nguyễn Văn Thọ, một người định cư tại Đức nói với BBC Tiếng Việt.
"Sau ý kiến không rõ ràng của Thứ trưởng Sơn, người ta mới rộ lên quan tâm, lo lắng," ông Thọ nói thêm.
Các quy định pháp lý liên quan đã được đưa ra từ trước đó gần năm năm mà không mấy thu hút sự chú ý của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Cách hiểu đúng
Theo giải thích của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, việc mất quốc tịch hay không chỉ hướng tới những ai đã ra nước ngoài trước tháng 7/2009.
Những người rời khỏi Việt Nam sau thời điểm đó thì "đương nhiên mang quốc tịch Việt Nam mà không phải đăng ký", ngay cả khi nhập quốc tịch nước ngoài, trang tin VnExpress dẫn lời ông Bộ trưởng.
Một số các quan chức khác của Bộ Tư pháp cũng lên tiếng sau lời phát biểu của Thứ trưởng Sơn.
Cục trưởng Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực thuộc Bộ Tư pháp giải thích những người không định cư ở nước ngoài hoặc định cư nhưng vẫn còn hộ chiếu Việt Nam có hiệu lực đều không cần phải đăng ký.
Người Việt ở nước ngoài vẫn giữ nguyên nhiều nét sinh hoạt truyền thống
Tuy nhiên, những giải thích của Cục trưởng Nguyễn Công Khanh trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm 8/4 dường như không đủ trấn an dư luận, và cũng không đủ để cải thiện con số 6.000 hồ sơ đăng ký giữ quốc tịch.
Điều luật phục vụ ai?
Mong muốn của giới chức khi ra điều luật trên là nhằm "làm rõ tình trạng quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về quốc tịch và bảo hộ công dân", theo lời Cục trưởng Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao Nguyễn Hữu Tráng tại một cuộc họp báo.
Thế nhưng sự "phục vụ cho công tác quản lý nhà nước" đó dường như chưa thể hiện vai trò phục vụ quyền lợi người dân, mà trong trường hợp này là những người đang định cư ở nước ngoài.
Đăng ký hay không đăng ký, thì người ta được gì, mất gì?
Nếu làm, thì ngoài việc được cấp giấy xác nhận, người đăng ký không có được lợi ích thiết thực gì khác.
Trong lúc đó, bản thân tờ giấy xác nhận đó lại không phải là điều kiện cần và đủ để một người được thừa nhận là công dân Việt Nam hay được cấp hộ chiếu Việt Nam, theo giải thích của Cục trưởng Lãnh sự.
Ông Tráng nói: "Giấy xác nhận không có giá trị pháp lý cho việc cấp phát hộ chiếu, giấy thông hành hoặc các giấy tờ khác [của Việt Nam]," tạp chí Quê hương thuộc Bộ Ngoại giao dẫn lời.
Giấy này cũng "không khẳng định về quốc tịch Việt Nam của họ", ông Tráng giải thích thêm.
"Giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam chỉ có giá trị chứng minh người này đã thực hiện thủ tục đăng ký chứ không khẳng định về quốc tịch Việt Nam của họ. Gấy xác nhận không có giá trị pháp lý cho việc cấp phát hộ chiếu, giấy thông hành hoặc các giấy tờ khác."
Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Hữu Tráng
Nói cách khác, thì việc đăng ký không làm một người được tức khắc công nhận là công dân Việt Nam và do đó không đem lại cho họ quyền được xin cấp hộ chiếu Việt Nam, cũng không tạo trách nhiệm bảo hộ của nhà nước đối với cá nhân đó.
Điều nhìn thấy đầu tiên, có lẽ mới chỉ là việc nó trao cho giới chức những thông tin về người tự nhận thấy mình là người Việt Nam.
Tương tự, việc đăng ký cũng không làm thay đổi quy chế pháp lý về quyền cư trú của người đó ở nước sở tại, nơi mà hệ thống công quyền chỉ xét tới các loại giấy tờ được công nhận rộng rãi theo luật quốc tế như hộ chiếu, giấy thông hành, hay thẻ cư trú.
Nếu không làm, thì một người Việt sẽ không được nhà nước coi là công dân Việt Nam và do đó, sẽ không làm phát sinh nghĩa vụ bảo hộ từ phía nhà nước.
Tuy nhiên, nghĩa vụ bảo hộ này trên thực tế đã là không tồn tại khi mà họ không còn tấm hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực. Do vậy, việc không đăng ký về căn bản không làm thay đổi quan hệ pháp lý giữa cá nhân đó với nhà nước Việt Nam.
Mặt khách, việc "mất quốc tịch" này lại không được thể hiện trên bất kỳ văn bản nào.
Cũng không có hướng dẫn nào nói rằng một người sau hạn chót đăng ký có quyền tới một cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam để xin cấp giấy "mất quốc tịch".
Tức là nhà nước Việt Nam bảo họ mất quốc tịch, nhưng họ không biết làm sao để lấy được tờ giấy xác nhận nội dung đó.
Cho nên, với nước sở tại thì việc "mất quốc tịch" dựa theo điều luật này không được coi là cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan tới quyền cư trú, định cư hay nhập tịch của người đó, đặc biệt là ở các quốc gia chỉ chấp nhận một quốc tịch và đòi người xin nhập tịch phải có giấy chứng nhận đã được cho thôi quốc tịch hoặc đã bị tước bỏ quốc tịch gốc.
Việc bị tước bỏ quốc tịch theo quy định này cũng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu vắng cơ sở pháp lý để một người sau này làm thủ tục xin thôi quốc tịch.
Chưa kể nếu họ không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trước hạn chót trong lúc chưa đăng ký nhập tịch, hoặc chưa đủ điều kiện nhập tịch vào quốc gia đang sinh sống, thì việc pháp luật Việt Nam đương nhiên lấy đi quốc tịch Việt Nam sẽ đẩy họ về mặt lý thuyết trở thành những người không có quốc tịch, một điều tối kỵ, cần tránh trong luật pháp quốc tế.
Như vậy, việc đăng ký hay không đăng ký trên thực tế không hề giúp "làm rõ tình trạng quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài", cũng không đạt mục tiêu "phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về quốc tịch và bảo hộ công dân", trong lúc không giúp cho việc giấy tờ của người dân được xử lý một cách thuận lợi hơn.
Thiếu tính nhân văn?
"Trên thực tế, quyền của con người, muốn có một tổ quốc, một đất nước, nơi người ta đã sinh ra, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, là nhu cầu hợp lý mà nhà nước Việt Nam phải suy nghĩ tới," nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói.
"Đây là tình cảm rất thiêng liêng, nằm trong tâm khảm mỗi người. Vì một lý do gì đó mà tôi không đăng ký đúng ngày mà lại bị tước bỏ quyền đó đi, tôi thấy về mặt nhân tính là chưa ổn."
Thay vì tìm lời đáp cho những vấn đề trên, thì giới chức lại tìm cách "hoãn binh" với việc kéo dài thời hạn đăng ký.
Nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định theo đuổi phương án sửa đổi luật nhằm kéo dài thời hạn đăng ký thêm năm năm nữa, với hạn mới sẽ kết thúc vào ngày 1/7/2019, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ hôm 21/4.
Một loạt các thủ tục pháp lý sẽ cần được thực hiện nhằm luật hóa phương án gia hạn này, với việc Bộ Tư pháp, được ủy quyền từ Thủ tướng, phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành điều chỉnh Luật Quốc tịch 2009 trong kỳ họp tới đây.
Câu hỏi đặt ra là sau năm năm nữa, nếu số người đăng ký giữ quốc tịch vẫn ở mức rất khiêm tốn, thì liệu chính phủ có định đề xuất Quốc hội điều chỉnh luật để tiếp tục gia hạn nữa, hay sẽ tìm một giải pháp khác?
Và nếu như một điều luật đã ra đời, tồn tại được năm năm mà không thể hiện tính khả thi, tính thực tiễn, thì liệu có nên tiếp tục gia hạn cho nó hay không?